Xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng nội lực cạnh tranh

27/07/2018
Lượt xem: 4029

     Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là thành phố năng động nhưng các ngành công nghiệp lại phát triển chậm, chưa có sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu thành phố.

Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là thành phố năng động nhưng các ngành công nghiệp lại phát triển chậm. Ảnh: TTXVN

     Ngày 25/7, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Xây dựng Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố” nhằm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có cơ sở xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực.

     Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là thành phố năng động nhưng các ngành công nghiệp lại phát triển chậm, chưa có sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu thành phố. Ngay cả tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chỉ chiếm 10% trong tổng GRDP.

     Trong đó, ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 2,97%; cơ khí chế tạo chiếm 2,54%; hóa dược – cao su chiếm 2,33%; điện tử chiếm 2,17%.

     Trước thực trạng này, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành liên quan cần thống kê số lượng doanh nghiệp công nghiệp có nguồn vốn 100 tỷ đồng.

     Đặc biệt, trong đó tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng 4 ngành công nghiệp chủ lực có mức độ phát triển bình thường và không có điểm nhấn.

     Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng kinh tế thành phố những năm qua liên tục tăng.

     Tuy nhiên, thừa nhận rằng, năng lực phát triển của thành phố phát sinh nhiều bất cập cần giải quyết; trong đó có thể kể đến những vấn đề về năng lực cạnh tranh chưa cao, hạ tầng xuống cấp, đất sản xuất còn ít so với nông nghiệp, giá thuê đất cao so với các tỉnh, thành khác.

     Đồng thời, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm của thành phố thấp. Hoạt động bán lẻ đang bị cạnh tranh gay gắt với nhà phân phối ngoại, sản phẩm chủ lực chưa được xác định rõ để có định hướng hỗ trợ phù hợp.

     Dẫn chứng cụ thể, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trước năm 2015, thành phố chọn ra 15 sản phẩm chủ lực, nhưng đến nay có những sản phẩm tồn tại và không tồn tại do áp lực cạnh tranh trên thị trường.

     Chính vì vậy, thời gian tới khi khởi động xây dựng Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố cần có những tiêu chí xét chọn phù hợp với thực tiễn.

     Bởi hiện tại, nhiều sản phẩm của ngành có giá trị gia tăng cao, thị phần lớn tại nội địa và xuất khẩu nhưng theo tiêu chí sản phẩm chủ lực của thành phố không đạt.

     Theo tính toán, một sản phẩm mới nếu không đảm bảo quy trình đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh khoảng 5 năm thì khó đủ lớn về quy mô và thương hiệu.

     Trong khi đó, việc cơ giới hóa được áp dụng mạnh nên tỷ trọng lao động tại các doanh nghiệp đang giảm.

     Vì vậy, nếu xét trên tỷ trọng lao động thì nên đưa thêm tiêu chí xác định sản phẩm chủ lực là sản phẩm Việt có khả năng cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá và chất lượng.

     Với thực tế đó, ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SAMCO) cho rằng, sản phẩm chủ lực của thành phố nên tập trung vào sản phẩm đầu cuối kết hợp dự báo phát triển ngành.

     Các sản phẩm này, phải gắn với Tp. Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng thành phố xây dựng cơ chế đi kèm để tạo khoảng trống thị trường nhất định để sản phẩm chủ lực có cơ hội phát triển.

     Đơn cử, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, cùng với khuyến khích sản xuất xe chạy nhiên liệu sạch, các sở ngành thành phố cần tạo cơ chế chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân trên địa bàn sử dụng sản phẩm này.

     Mặt khác, một trong những vấn đề doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quan tâm là Tp. Hồ Chí Minh phải xác định sản phẩm chủ lực để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng nội lực cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu là rất cần thiết.

     Bên cạnh đó, xác định sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm thuần Việt, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển thương hiệu của thành phố.

     Giáo sư Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Luật Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, không nhất thiết chỉ những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao mới là ngành chủ lực mà tuỳ vào từng ngành nghề nhất định mà mức tiêu chí xác định cũng khác nhau; trong đó, có thể xem xét cũng như đánh giá các sản phẩm cùng loại, có thương hiệu, thị trường trong nước và quốc tế; sản phẩm có động lực lôi kéo, thúc đẩy những ngành khác phát triển...

     Lĩnh vực ngành có hàm lượng công nghệ lao động cao, chủ yếu lao động giản đơn (dệt may, da giày…); ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ lao động cao, vừa sử dụng nhiều nguyên liệu từ các ngành nông, lâm, ngư nghiệp (chế biến lương thực, thực phẩm); ngành có hàm lượng công nghệ cao (máy tính, xe hơi, máy công cụ, linh kiện…).

     Đánh giá khó khăn hiện nay, việc thống kê của các cơ quan chức năng riêng lẻ, chỉ đơn thuần là so sánh theo từng năm, mà không có sự cập nhận cơ sở dữ liệu về chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trên thị trường.

     Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn lại vai trò của Nhà nước; trong đó, không nên chọn ngành chỉ dừng lại định hướng thị trường. Ngoài ra, định hướng Xây dựng Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố nên chú trọng tập trung vào những ngành thành phố ưu tiên phát triển.

     Song song với cơ chế hỗ trợ cho những ngành đang có tiềm năng phát triển mạnh trên thị trường cần có thêm phương thức hỗ trợ mang tính chất gián tiếp như tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ sản xuất, khoảng trống thị trường… để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

     Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số đòi hỏi xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu; cách chọn ngành nên tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và chế tạo có giá trị gia tăng cao./.

Mỹ Phương/TTXVN

Người viết : Theo bnews.vn