Chống ùn tắc giao thông: Cần đột phá về quản lý và tổ chức thực hiện. Bài 1: Xử lý hành vi bao che, bảo kê chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh

06/02/2017
Lượt xem: 4802

Bài 1: Xử lý hành vi bao che, bảo kê chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh

     Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho thấy, TPHCM có tới hơn 1,5 triệu m² vỉa hè. Tuy nhiên, theo Ban An toàn giao thông TPHCM, gần như toàn bộ số diện tích này đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán hoặc giữ xe… Nhiều chuyên gia về giao thông và quản lý đô thị nhận định: Nếu toàn bộ diện tích vỉa hè nêu trên được sử dụng đúng mục đích thì hoạt động vận tải, đặc biệt vận tải hành khách công cộng sẽ được cải thiện đáng kể.

Người có tiền… chiếm vỉa hè

     Trong quan niệm của nhiều người, người phải mưu sinh trên vỉa hè là người nghèo. Chính vì vậy, việc giữ cho vỉa hè thông thoáng, không bị lấn chiếm làm nơi buôn bán đôi lúc bị nhiều người phản đối. Không ít cơ quan chức năng cũng đã vin vào lý do này để không thực hiện tròn chức trách của mình là giữ cho vỉa hè thông thoáng, trả vỉa hè cho người đi bộ. 

 Kinh doanh hàng quán lấn chiếm vỉa hè (ảnh chụp trên đường Nguyễn Trung Trực, quận 1, TPHCM tối 5-2). Ảnh: SGGP

     Thực tế không phải như vậy. Hầu hết người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh là những người có điều kiện về kinh tế. Họ là chủ nhân hoặc là chủ những cơ sở kinh doanh thuê lại các ngôi nhà mặt tiền và sử dụng chúng làm nơi kinh doanh.

     Đường Hai Bà Trưng chạy dài từ quận 1 tới quận 3 vào một buổi chiều cuối năm 2016, đếm đi đếm lại, chúng tôi chỉ thấy có 5 người bán hàng rong tranh thủ đặt gánh bán hàng tại một góc nhỏ của vỉa hè bên hông Viettinbank. Phần lớn phần vỉa hè còn lại bị các cửa hàng nằm dọc theo tuyến đường tận dụng làm nơi giữ xe hoặc bày hàng. Nhiều cửa hàng còn thuê cả bảo vệ “nhắc nhở người đi đường: tránh ra chỗ khác cho họ làm ăn” với những ai vô tình đứng lâu trên vỉa hè trước cửa hàng của họ.

     Không những lấn chiếm, chủ của nhiều ngôi nhà mặt tiền còn cho thuê cả vỉa hè trước mặt nhà mình. Chị M. bán hủ tiếu gần chợ Trương Định cho biết: “Nhiều gia đình ở đây coi vỉa hè trước nhà mình như là tài sản của… họ. Người bán hàng nào muốn “đặt gánh” trên vỉa hè trước nhà họ đều phải trả cho họ một khoản tiền. Ít thì 1 - 2 triệu đồng/tháng, nhiều thì 3 - 4 triệu đồng/tháng”.

     Không có dịp thử làm người bán hàng rong nhưng khi chúng tôi giả vờ đứng nói chuyện lâu trên vỉa hè trước một tiệm bán quần áo gần chợ Tân Định, thì quả thật, chỉ độ khoảng 10 phút sau đó, nhân viên cửa hàng đã đi ra hỏi chúng tôi “Có việc gì không? Nếu không tránh đường cho khách hàng của họ ra, vào (?!)”.

     Nút giao thông Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), nơi có tới 3 con đường có mật độ giao thông lớn vào loại bậc nhất của thành phố: Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Lê Văn Sỹ giao nhau. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phải xây cầu vượt tại đây để giảm tải cho nút giao thông này, ấy vậy mà ngay chân nút đã từ lâu có một cơ sở sửa chữa ô tô hoạt động. Cứ vào đầu giờ sáng, luôn có vài chiếc ô tô dừng đậu lấn cả ra đường để sửa chữa. Trước cửa chợ An Đông, nhiều hàng bán trái cây ngoại hoặc trái cây đặc sản chiếm trọn vỉa hè làm nơi bày bán hàng.

Và sự coi thường pháp luật

     Có thể những người buôn bán trái cây, mở dịch vụ sửa chữa ô tô… chưa được gọi là những người giàu ở TPHCM. Thế nhưng, nói họ nghèo, không có điều kiện tổ chức tốt việc kinh doanh của mình để không ảnh hưởng tới người khác cũng không chính xác. Chưa kể, nếu họ nghèo thật sự, thì việc tạo điều kiện cho họ thoát nghèo đã có các chính sách về an sinh xã hội. TPHCM hiện có khá nhiều các quỹ, các tổ chức có chức năng và nhiệm vụ lo cho người nghèo. Không thể lấy cái nghèo để biện minh cho sự coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng trật tự chung.

     Đương nhiên, TPHCM không phải không hiểu rõ điều đó. Bằng chứng là đã hàng chục năm nay TPHCM liên tục tìm nhiều giải pháp để lập lại trật tự giao thông nói chung và vỉa hè nói riêng. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thực hiện Nghị định 36/1995 của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, TPHCM đã liên tục ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, giữ xe. Chương trình được triển khai trên khắp địa bàn thành phố với hàng ngàn vụ vi phạm đã được xử lý. Cùng thời điểm này, để việc quản lý vỉa hè hiệu quả hơn, TPHCM đã chuyển công tác quản lý vỉa hè từ Sở Giao thông Vận tải cho các quận, huyện, thế nhưng, tất cả cũng chỉ rộ lên vài tháng… 
     Sau đợt ra quân thực hiện Nghị định 36, TPHCM còn triển khai khá nhiều chương trình văn minh đô thị gắn với việc giữ cho vỉa hè thông thoáng như chương trình xây dựng khu phố văn hóa, giữ gìn trật tự văn minh đô thị… Tuy nhiên, mọi hoạt động cũng không thu được kết quả căn cơ. Đến năm 2010, với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, TPHCM đã xây dựng chương trình “tuyến đường mẫu” với nhiều chính sách được không ít chuyên gia về quản lý đô thị đánh giá cao. Theo đó, lần đầu tiên TPHCM nhìn nhận hoạt động buôn bán trên vỉa hè là một cách mưu sinh quan trọng của một bộ phận người dân. Do vậy, TPHCM đã chấp nhận dành một phần vỉa hè cho hoạt động kinh doanh. Phần này được phân định rõ với phần vỉa hè dành cho người đi bộ bằng một vạch sơn. Người kinh doanh chỉ được bày bán hàng hoặc để xe trong phần vỉa hè đã được quy định. TPHCM không ồ ạt triển khai ngay ở tất cả các tuyến đường mà cho các quận chủ động đề xuất chọn một số tuyến đường để làm mẫu trước. Không ít người dân đã rất ủng hộ cách làm này và hy vọng TPHCM sẽ xử lý dứt điểm được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè. Nhất là khi lãnh đạo thành phố còn yêu cầu nhiều quận, huyện cam kết thực hiện nghiêm túc chức trách này. Thế nhưng, hiện nay vỉa hè… vẫn bị lấn chiếm.

 Quán ăn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh (ảnh chụp tại khu vực ngã 6 Phù Đổng, quận 1, tối 5-2). Ảnh: SGGP

Kiểm soát để chặn bảo kê

     Và như vậy, dù không muốn, rất nhiều người dân vẫn không khỏi băn khoăn về việc thực hiện chức trách của những người có trách nhiệm. Không thể nói họ không biết, không nhìn thấy hành vi lấn chiếm vỉa hè. Phải chăng đã có những cá nhân bao che, bảo kê cho hành vi này? 
Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có vỉa hè, cần kiểm soát chặt để chặn hành động bảo kê. Giải pháp hữu hiệu và có thể triển khai ngay là lắp đặt camera giám sát ở các tuyến đường. Trước mắt, nếu chưa đủ kinh phí đầu tư hết cho các tuyến đường, nên làm trước ở các tuyến đường trọng điểm để vừa theo dõi tình hình giao thông vừa phát hiện sớm các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Hình ảnh lấn chiếm vỉa hè được lưu lại để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý người vi phạm. Kinh phí để đầu tư hệ thống camera cùng các thiết bị cần thiết khác có thể là con số khổng lồ, nhưng hiệu quả về lâu dài mà hệ thống này đem lại cho công tác quản lý đô thị ở TPHCM sẽ rất lớn. 

     Mặt khác, để tạo điều kiện cho người dân có chỗ đậu xe, TPHCM nên tiếp tục triển khai quy định dành một phần vỉa hè ở những nơi có vỉa hè rộng, cho người dân làm chỗ đậu xe. Những hành vi lấn chiếm ra ngoài phần vỉa hè được quy định đều phải bị xử lý nghiêm. Ở những nơi vỉa hè nhỏ, hẹp, địa phương nên tạo điều kiện cho người dân xây thêm một tầng hoặc một gác lửng để làm nơi kinh doanh. Tầng trệt, dùng làm nơi giữ xe, tương tự như đối với các cao ốc. Hiện nay, TPHCM đã có Quy định 135, 145 về xây dựng nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu. Theo hai quy định này, người dân được quyền tăng thêm một tầng để có chỗ giữ xe. Đối với người nghèo, chưa có chỗ kinh doanh, TPHCM nên sắp xếp chỗ và thông báo công khai cho họ biết. Những nơi này không nên thu thuế hoặc nếu thu thì chỉ thu một khoản phí nhỏ để làm công tác giữ gìn trật tự vệ sinh. Một hệ thống các giải pháp có tình, có lý cộng với quyết tâm cao của thành phố, việc giữ cho vỉa hè thông thoáng mới có khả năng thành hiện thực.

     Cùng với việc vỉa hè bị lấn chiếm, một phần lòng đường bị ô tô chiếm dụng làm nơi dừng, đậu xe đã và đang làm cho tình hình giao thông xấu đi. Tính đến ngày 15-11-2016, thành phố đang quản lý tổng cộng 7.857.088 phương tiện, trong đó 615.395 ô tô, 7.241.693 mô tô, tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 60,8% so với cuối năm 2010. Chưa tính lượng phương tiện mang biển số các tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố (trên 1 triệu phương tiện các loại). Đã vậy mức thu phí đậu xe dưới lòng đường thấp và chỉ tính theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/lượt, không giới hạn thời gian đậu xe nên ở nhiều khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đậu xe tràn lan dưới lòng đường, dẫn đến ùn tắc giao thông.

Theo Sài Gòn Giải Phóng